• Blog
  • 6 phương pháp phối màu cơ bản trong thiết kế

6 phương pháp phối màu cơ bản trong thiết kế

6 phương pháp phối màu cơ bản trong thiết kế
 

Màu sắc rất quan trọng trong thiết kế, các cách phối màu khác nhau sẽ mang lại những thông điệp cũng khác nhau. Vì thế các Designer luôn cần chú ý và cẩn thận trong việc lựa chọn và phối màu sắc cho thiết kế.

Khi mới bắt đầu tìm hiểu lĩnh vực thiết kế, bạn bị hấp dẫn với vô vàn các bảng phối màu có sẵn… Nhưng lại không nắm được nguyên lý từ đâu tạo ra các bảng màu ấy? Hãy cùng Keyframe tìm hiểu 6 nguyên tắc phối màu cơ bản mà bạn có thể áp dụng dễ dàng vào trong thiết kế nhé:

 

Monochromatic - Phối màu đơn sắc

Phối màu đơn sắc là một trong những cách phối màu dễ tạo và dễ sử dụng nhất. Bạn chỉ cần lấy một màu cơ bản và các màu tint, shade, tone khác nhau của nó.

Phương pháp phối màu màu đơn sắc có thể trông hơi đơn điệu nhưng nó giúp chúng ta tập trung hơn vào các nội dung khác của thiết kế.

 

Analogous - Phối màu tương đồng

Phối màu tương đồng là cách phối 3 màu nằm cạnh nhau trên bánh xe màu. Bạn có thể phối 3 màu với tỷ lệ bằng nhau. Tuy nhiên chúng ta sẽ không thấy được đâu là điểm nhấn, sắc thái chính của thiết kế.

Lời khuyên là bạn nên chọn 1 màu làm chủ đạo, màu thứ 2 dùng để nhấn nhá các chi tiết quan trọng và màu còn lại dùng cho các chi tiết phụ.

 

Complementary - Phối màu bổ túc trực tiếp

Để thực hiện phối màu bổ túc trực tiếp, bạn cần kết hợp hai màu đối diện nhau trên bánh xe màu.
Ví dụ: màu đỏ và màu xanh lá cây nằm đối diện trực tiếp với nhau trên bánh xe, vì vậy chúng là màu bổ sung trực tiếp cho nhau.

Thông thường, bạn cần nhiều hơn hai màu để tạo ra một bảng màu hấp dẫn. Vì vậy đối với phương pháp phối màu Complementary, bạn sẽ cần thêm các màu khác với hai màu bạn đã chọn hoặc kết hợp với màu trung tính như xám hoặc màu be.

 

Split Complementary - Phối màu bổ túc xen kẽ

Để thực hiện phương pháp phối màu này, trước tiên bạn cần xác định căp màu bổ túc trực tiếp trên bánh xe màu. Sau đó chọn 1 màu chính để kết hợp cùng 2 màu liền kề với màu bổ túc còn lại.

Để dễ hình dung, màu đỏ và xanh lá cây là cặp màu bổ túc trực tiếp. Nếu ta lấy màu đỏ làm chủ đạo thì sẽ kết hợp với 2 màu xanh lá mạ và xanh ngọc.

 

Triadic Complementary - Phối màu bổ túc bộ ba

Để phối màu bổ túc bộ ba bạn cần kết hợp 3 màu nằm ở ba góc khác nhau trên bánh xe màu tạo nên một hình tam giác đều.

Với 3 màu nằm ở 3 góc khác nhau tạo sự cân bằng, đây là cách phối màu an toàn nhất trong các cách phối màu.

Nhưng cũng chính vì quá an toàn nên thỉnh thoảng bạn sẽ thấy cách phối màu này khá đơn điệu và thiếu sáng tạo vì vậy đừng ngại thử với các tỷ lệ màu khác nhau để lựa chọn ra cách phối phù hợp nhất cho bản thiết kế nhé.

 

Tetradic Complementary - Phối màu bổ túc bộ bốn

Cũng tương tự như Triadic, với phương pháp Tetradic bạn sẽ cần tìm bốn màu khác nhau cách đều nhau trên bánh xe màu. Để tránh gây hỗn loạn về màu sắc cho người xem, bạn cần chọn ra 1 màu chủ đạo và lấy 3 màu còn lại làm màu nhấn.

Thêm 1 lời khuyên khi phối màu

Việc chọn cách phối màu phụ thuộc vào thông điệp bạn muốn truyền tải trong thiết kế. Ngoài bảng phối màu thì bạn cũng cần chú ý đến độ sáng tối của màu (color balance, value). Vì nếu bản thiết kế nghiêng về tone trắng nhiều quá thì sẽ trở thành “thiếu màu”, nếu chọn màu nghiêng về nâu đỏ nhiều thì bản thiết kế sẽ bị “cháy màu”... Một bản thiết kế đẹp là có sự hài hòa giữa sáng/ tối, đậm/ nhạt…

Sẽ không có quy định về số lượng màu bạn có thể sử dụng trong 1 bản thiết kế. Tuy nhiên nếu bạn mới bắt đầu thì hãy tập sử dụng khoảng từ 3 đến đến 6 màu theo các phương pháp ở trên nhé.

---

Bài viết được tổng hợp, biên soạn và thiết kế minh họa bởi Keyframe Team.

Nếu bạn là người mới, muốn học Graphic Design từ cơ bản đến nâng cao. Thì hãy tham khảo ngay chương trình học Graphic Design Toàn Diện này. Hiện đang tuyển sinh lớp ban ngày và lớp buổi tối: https://keyframe.vn/cth/chuong-trinh-hoc-thiet-ke-do-hoa-2d-graphic-design-1.html